TÌM HIỂU VỀ THÁP DINH DƯỠNG

 

Tháp dinh dưỡng là gì?

 

Tháp dinh dưỡng (tiếng Anh gọi là Food Pyramid) là mô hình ăn uống được các chuyên gia dinh dưỡng xây dựng nhằm cung cấp thông tin về các loại thực phẩm và số lượng tiêu thụ trung bình cho mỗi người. Tháp dinh dưỡng được chia thành các nhóm thực phẩm khác nhau với số lượng giảm dần từ dưới lên trên theo hình kim tự tháp. Những thực phẩm thuộc nhóm ở đáy tháp được sử dụng nhiều hơn và những thực phẩm thuộc nhóm ở đỉnh tháp cần hạn chế sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.

 

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người áp dụng mô hình Tháp dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống đa dạng và hợp lý nhằm bảo đảm sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.

 

(Ảnh: Tháp Dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành (giai đoạn 2016 - 2020) - Mức tiêu thụ trung bình cho một người trong một ngày | Nguồn: Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế)

 

Giải thích Tháp dinh dưỡng

 

Tháp dinh dưỡng được phân chia thành các tầng tương ứng với các nhóm thực phẩm cần bổ sung cho cơ thể mỗi ngày.

 

Nhóm ngũ cốc

 

Nhóm ngũ cốc gồm các thực phẩm giàu tinh bột (gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mỳ, phở, bún, miến, mì ăn liền ... )  cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Chúng ta nên ăn thay đổi, xen kẽ các loại ngũ cốc khác nhau. Đối với người Việt Nam, gạo là thực phẩm quen thuộc, không thể thiếu trong trong bữa ăn hàng ngày; tuy nhiên, cần hạn chế thói quen sử dụng gạo xay xát kỹ và ăn nhiều cơm. 

 

Nhóm rau quả

 

Nhóm rau, quả cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết, giúp bảo vệ cơ thể và tăng cường sức khỏe, đồng thời cung cấp chất xơ giúp ích cho hệ tiêu hóa. Chúng ta nên ăn đa dạng các loại rau, quả vì mỗi loại rau sẽ cung cấp các chất khác nhau (sắt, beta carotene, vitamin C, kali, canxi, các flavonoid chống oxy hóa, …). Điều lưu ý là chúng ta phải lựa chọn, bảo quản, chế biến các loại rau, quả đúng cách để rau, quả tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ được các chất dinh dưỡng.

 

Nhóm thịt, thuỷ sản, trứng, đậu, đỗ

 

Nhóm thịt, thuỷ sản, trứng, đậu, đỗ gồm các thực phẩm giàu đạm cung cấp nguyên liệu xây dựng và tái tạo các mô của cơ thể, tạo ra nhiều hormon và enzyme giúp điều hoà các quá trình và phản ứng hoá học trong cơ thể. Chúng ta nên ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật và đạm thực vật.

 

Nhóm sữa và chế phẩm

 

Nhóm sữa và chế phẩm gồm các loại sữa bột, sữa nước và chế phẩm như sữa chua, phomát.

Đây là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt, cung cấp chất đạm, chất béo và nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt canxi. Chúng ta nên ăn phối hợp 3 loại sữa nước, sữa chua và phomat.

 

Nhóm dầu, mỡ, bơ

 

Nhóm dầu, mỡ, bơ gồm các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu cọ, dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương, dầu ôliu...), mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ gà ...) và bơ. Nhóm này cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K). Đây là nhóm thực phẩm nằm ở gần đỉnh tháp dinh dưỡng nên cần hạn chế ăn. Chúng ta nên ăn các loại dầu, mỡ có nhiều chất béo chưa bão hòa để giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như dầu ôliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng... và ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật.

 

Nhóm đường, muối

 

Nhóm đường, muối gồm các loại đường ăn (đường kính, đường phổi, đường phèn, đường mật …), mật ong, sirô, các loại bánh, kẹo, các loại nước ngọt, muối, bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, tương, mắm tôm, mắm tép, mì chính. Nhóm này nằm ở đỉnh tháp dinh dưỡng nên cần hạn chế tiêu thụ vì ăn nhiều sẽ là tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu và đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, ung thư...

 

 

10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý dựa trên Tháp dinh dưỡng 

 

  1. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
  2. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.
  3. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.
  4. Nên sử dụng muối Iốt, không ăn mặn.
  5. Cần ăn rau quả hàng ngày.
  6. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm
  7. Uống đủ nước sạch hàng ngày
  8. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
  9. Sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.
  10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.