TÁC HẠI CỦA GỐC TỰ DO ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

 

Gốc tự do là gì?

 

Gốc tự do (free radical) là bất cứ nguyên tử hoặc phân tử hóa học có lớp quỹ đạo ngoài cùng chứa một điện tử (electron mang điện tích âm) duy nhất hoặc một số lẻ điện tử. Do không cân bằng về điện tử nên gốc tự do rất không ổn định và có xu thế tạo ra phản ứng để chiếm đoạt điện tử từ các nguyên tử hoặc phân tử khác; do vậy, chúng liên tiếp tạo ra các gốc tự do mới, gây rối loạn hoạt động bình thường của tế bào. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mỗi tế bào phải hứng chịu khoảng 10.000 gốc tự do tấn công mỗi ngày.

 

 

Một số tác nhân chính tạo ra gốc tự do trong cơ thể:

  • Quá trình trao đổi chất của cơ thể;
  • Ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước,…);
  • Tiếp xúc hàng ngày với hóa chất độc hại trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm, đồ dùng;
  • Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài;
  • Sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá,…);
  • Ăn uống thực phẩm bẩn, không an toàn;
  • Uống thuốc điều trị một số bệnh, trải qua quá trình hoá trị/ xạ trị.

 

Gốc tự do gây ra tác hại như thế nào?

 

Gốc tự do luôn được sinh ra trong cơ thể và cũng có vai trò tích cực nhất định, giúp cho quá trình tổng hợp và phân hủy các chất trong quá trình chuyển hóa tế bào. Trong cơ thể khoẻ mạnh, gốc tự do sinh ra có giới hạn, không quá thừa để gây hại. 

 

Tuy nhiên, khi gốc tự do sinh ra quá nhiều và hệ thống chất ôxy hoá nội sinh không đủ sức cân bằng thì đây là nguồn gốc của sự lão hóa (khiến da mất độ đàn hồi, xuất hiện nhiều nếp nhăn, rụng tóc, …) và hơn 100 bệnh tật nguy hiểm (suy giảm trí nhớ, đột quỵ, tăng huyết áp vô căn, đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch, ung thư,…). Số lượng gốc tự do tích lũy theo tuổi và tác hại ngày càng nghiêm trọng.

 

Cách nào để chống gốc tự do?

 

Các gốc tự do được hình thành dưới tác động của nhiều yếu tố bên ngoài. Vì thế, trước tiên bạn cần hạn chế tối đa tác động của các yếu tố này bằng cách:

  • Giữ gìn môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng đãng;
  • Hạn chế sử dụng hoá mỹ phẩm, sản phẩm nhựa dùng một lần, hộp xốp, … có chứa các hoá chất độc hại;
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và tích cực; chủ động loại bỏ những tác nhân gây căng thẳng;
  • Duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh: hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá; hạn chế làm việc quá sức và thức khuya; thường xuyên tập thể dục.

 

 

Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng giàu các chất chống oxy hóa cũng góp phần giúp cơ thể trung hòa các gốc tự do, từ đó giúp cân bằng môi trường tế bào, hạn chế nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe.

 

Chế độ ăn đa dạng các loại rau quả, thịt cả sẽ giúp bạn bổ sung đáng kể các chất chống oxy hoá phổ biến như vitamin E, vitamin C, vitamin A (beta carotene), Selen, … Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe để bổ sung các chất chống oxy hóa, giúp hạn chế tác hại của gốc tự do. 

 

Sự tấn công của gốc tự do sẽ gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm. Để hạn chế tác hại của gốc tự do đối với sức khỏe, chúng ta cần giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài và đồng thời, bổ sung các chất chống oxy hóa cho cơ thể.