SÁCH GIÚP TÌM HIỂU VỀ TẾ BÀO GỐC

 

Trong vài năm trở lại đây, cụm từ “tế bào gốc” xuất hiện phổ biến hơn trên các báo và mạng xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc còn khá mới mẻ và độc giả không dễ dàng tìm kiếm được các tài liệu truyền tải thông tin khoa học về tế bào gốc một cách hệ thống và dễ hiểu.

 

Cuốn sách “Tế bào gốc: Khám phá cùng nhà khoa học” của tác giả Paul Knoepfler được Nhà xuất bản Dân trí và Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam xuất bản năm 2018 giúp độc giả có cái nhìn bao quát đối với tế bào gốc, đồng thời thu thập nhiều kiến thức đa chiều, hiểu thêm về tiềm năng cũng như hạn chế, rủi ro của liệu pháp tế bào gốc ở thời điểm hiện tại khi mà con người vẫn chưa hiểu rõ và đầy đủ về cơ chế phân tử của chúng. Điều đáng chú ý là các khái niệm khoa học trừu tượng, phức tạp đã được tác giả diễn giải bằng ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu và so sánh với hiện tượng gần gũi trong cuộc sống. Cuốn sách này được dịch từ nguyên gốc tiếng Anh “Stem Cells: An Insider’s Guide” xuất bản lần đầu tại Mỹ vào năm 2013.

 

 

Cuốn sách “Tế bào gốc: Khám phá cùng nhà khoa học” gồm 14 Chương:

  • Chương 1: Tìm hiểu về tế bào gốc trong cơ thể chúng ta
  • Chương 2: Phân loại tế bào gốc và các tiềm năng ứng dụng lâm sàng
  • Chương 3: Điều trị bằng tế bào gốc: Ứng dụng và trở ngại
  • Chương 4: Các mô hình cho tế bào gốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai
  • Chương 5: Chung gia đình: Câu chuyện nội bộ về hai tế bào gốc và một “kẻ lạc loài”
  • Chương 6: Lão hoá - Mối liên hệ với tế bào gốc
  • Chương 7: Luật và Định chế cho tế bào gốc
  • Chương 8: Dịch vụ tế bào gốc: Một tổ họp các vấn đề đạo đức
  • Chương 9: Dự luật về quyền của bệnh nhân và hướng dẫn về quy trình điều trị bằng tế bào gốc
  • Chương 10: Chúng ta đã thành công chưa? Tế bào gốc có thể chữa một số bệnh cụ thể bằng cách nào?
  • Chương 11: Mỹ phẩm chứa tế bào gốc: Còn hơn cả vẻ bề ngoài?
  • Chương 12: Tế bào gốc và những câu hỏi cho nhân loại
  • Chương 13: Trở thành “tín đồ” tế bào gốc
  • Chương 14: Tổng kết: Về tương lai của tế bào gốc

 

Theo tác giả, các tế bào gốc có sẵn trong cơ thể còn được gọi là “tế bào gốc nội sinh”, giữ vai trò quan trọng cho sức khỏe hàng ngày, quá trình sinh sản và tiến trình lão hoá của con người. Một tế bào gốc phải có hai đặc điểm mang tính quyết định. Một là, chúng có khả năng “tự tạo mới” (self-renewal), đơn giản nghĩa là chúng có thể phân chia để tạo nên nhiều tế bào gốc khác nữa. Hai là, một tế bào gốc phải có “tiềm năng biệt hoá” (potency) nghĩa là chúng có thể tạo thành nhiều loại tế bào khác nhau. Cơ thể có khả năng tự làm lành vết thương và quá trình đó phụ thuộc vào tế bào gốc. Khi bạn bị bệnh hay bị thương ở bất cứ chỗ nào trong cơ thể, các tế bào gốc của bạn sẽ đến giải cứu bằng cách tập hợp lực lượng và phối hợp sửa chữa tại vùng bị ảnh hưởng. Tế bào gốc cung cấp các tế bào mới và khỏe mạnh để thay thế cho các tế bào chết đi hàng ngày trong cơ thể, liên tục chống lại sự lão hoá và quá trình rất bình thường này được gọi là “nội cân bằng” (homeostasis) tự nhiên trong cơ thể người.

 

Khác với một số sách về tế bào gốc, tác giả Paul Knoepfler cung cấp các thông tin thực tế về những khó khăn và hạn chế của việc trị liệu bằng tế bào gốc về mặt sinh học, chi phí, luật pháp, hạn chế kỹ thuật và vấn đề y đức. Chính vì vậy, cuốn sách không mang đến những suy nghĩ viển vông hay hy vọng hão huyền cho người đọc. Tuy nhiên, tác giả vẫn tin rằng tế bào gốc là thành tựu y học mới và có tiềm năng giúp con người tránh được những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khoẻ mà chúng ta đang còn phải đương đầu trong hiện tại.

 

Paul Knoepfler (sinh năm 1967) là tiến sĩ, nhà sinh vật học, nhà nghiên cứu về tế bào gốc đang làm việc tại Khoa Sinh học Tế bào và Giải phẫu Người, Trường Y thuộc Đại học California, Davis, Hoa Kỳ. Bên cạnh “Tế bào gốc: Khám phá cùng nhà khoa học”, ông còn là tác giả của các cuốn sách “GMO Sapiens: The Life-Changing Science of Designer Babies” (xuất bản năm 2015) và “How To Build A Dragon Or Die Trying: A Satirical Look At Cutting-edge Science” (xuất bản năm 2019).