NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHOA HỌC ĐỜI SỐNG Ở HUNGARY

 

Đất nước Hungary xinh đẹp

 

Hungary là quốc gia thuộc vùng Trung Âu, phía Bắc giáp với Slovakia, phía Đông giáp với Ukraina và Rumani, phía Nam giáp với Serbia và Croatia, phía Tây giáp với Slovania và Áo. Hungary có diện tích khoảng 93 nghìn km vuông và dân số ước tính năm 2022 là 9,7 triệu người. 

 

Thủ đô Budapest của Hungary, thành phố xinh đẹp nằm hai bên bờ sông Danube, là một trong những thành phố lớn nhất trong Liên minh châu Âu. Không chỉ là trung tâm chính trị, thương mại, công nghiệp và giao thông vận tải của Hungary, Budapest còn là trung tâm văn hoá nghệ thuật với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng (toà nhà Quốc hội, Nhà thờ thánh Stephen, cầu treo bằng dây xích Széchenyi, lâu đài Buda, lâu đài Halászbástya,...), hơn 40 nhà hát và hơn 100 viện bảo tàng cùng các khu trưng bày nghệ thuật trong thành phố. 

 

 

Hungary có rất nhiều thắng cảnh đẹp, trong đó 8 địa điểm đã được Unesco công nhận Di sản Thế giới: Hang động Aggtelek Karst và Slovak Karst, Làng cổ Hollókő, Budapest (Bờ sông Danube, Lâu đài Buda và Đại lộ Andrássy), cảnh quan văn hóa lịch sử vùng Rượu vang Tokaj, cảnh quan văn hóa Fertö/ Neusiedlersee, Tu viện dòng Benedictine ở Pannonhalma, Công viên Quốc gia Hortobágy, và Nghĩa địa Cơ đốc giáo ở Thành phố Sopianae thuộc Đế chế La Mã (thành phố Pécs hiện nay).

 

Kinh tế Hungary

 

Kinh tế Hungary được xếp trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), năm 2021 GDP của Hungary đạt 182 tỷ USD và GDP theo đầu người hơn 15 nghìn USD. 

 

Tuy có điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ với đồng bằng Great Alfold chiếm gần ½ diện tích đất nước, diện tích rừng che phủ gần ⅕ diện tích đất nước và có hai con sông lớn Danube và Tisza, ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% GDP của Hungary. Trong khi đó, ngành dịch vụ đóng góp tới 55% GDP của Hungary. Chỉ tính riêng du lịch, năm 2019 Hungary đã đón hơn 60 triệu khách đến thăm và thu về 10 tỷ USD. Ngành công nghiệp (với các lĩnh vực chính khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, điện tử, dệt may, hóa chất, dược phẩm, xe cơ giới, công nghệ thông tin) đóng góp gần 26% GDP của Hungary.

 

Ngành công nghiệp khoa học đời sống ở Hungary

 

Ngành công nghiệp khoa học đời sống bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm, thực phẩm và thuốc dựa trên công nghệ sinh học, thiết bị y tế, công nghệ y sinh, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm, chế biến thực phẩm và các sản phẩm khác nhằm cải thiện cuộc sống của các sinh vật.

 

Năm 2021, ngành công nghiệp khoa học đời sống của Hungary chiếm đến 10% trong tổng các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao và có năng suất lao động đứng đầu thế giới. Cổ phiếu của các công ty trong ngành này thu hút được hơn 6 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. 8 trong số 10 công ty dược phẩm và công nghệ sinh học lớn nhất toàn cầu (Sanofi, GSK, Servier,...) đã sản xuất sản phẩm và thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hungary. 

 

 

Trên toàn đất nước Hungary, có đến 3.662 đơn vị nghiên cứu và bốn thành phố có số lượng lớn viện nghiên cứu liên quan đến công nghệ sinh học là Budapest, Pécs, Szeged và Debrecen. Đến nay, 13 người gốc Hungary đã đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực Vật lý, Hoá học và Y học; trong đó có thể kể đến Albert Szent Gyorgyi, nhà sinh lý học giành giải Nobel Y học năm 1937 cho khám phá vĩ đại tiền tố Vitamin C và ông cũng là người tìm ra flavonoids, đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình nghiên cứu dưỡng chất thực vật.

 

Đặc biệt, ngành công nghiệp dược đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hungary. 82 công ty dược phẩm và công nghệ y học ở Hungary tạo ra hơn 50 nghìn việc làm. Hai công ty Gedeon Richter (thành lập năm 1901) và Egis (thành lập năm 1913) đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp dược hiện đại của Hungary hiện nay vẫn thuộc nhóm các công ty dược hàng đầu ở châu Âu. Xuất khẩu dược phẩm sang 80 quốc gia đạt 3,5 tỷ USD và chiếm đến 5,6% tổng doanh thu xuất khẩu của Hungary.