LỢI ÍCH CỦA CHẤT CHỐNG OXY HÓA ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

 

Lợi ích của các chất chống oxy hóa

 

Gốc tự do luôn luôn được tạo ra trong quá trình trao đổi chất của cơ thể hay phản ứng của cơ thể với môi trường. Các yếu tố làm tăng số lượng gốc tự do có thể xuất phát từ bên trong cơ thể như tình trạng viêm nhiễm hoặc từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất độc hại, … Nếu số lượng các gốc tự do vượt quá khả năng cân bằng, điều chỉnh của cơ thể sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa và gây ra nhiều bệnh tật như suy giảm trí nhớ, đột quỵ, tăng huyết áp vô căn, đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch,… và thậm chí cả ung thư

 

Các chất chống oxy hóa được cho là giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa hoặc làm chậm các tổn thương cho các tế bào gây ra bởi các gốc tự do, giúp cho các tế bào của cơ thể bạn khỏe mạnh, từ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể. Các nguồn chất chống oxy hóa có thể là tự nhiên hoặc tổng hợp.

 

Cung cấp chất chống oxy hoá cho cơ thể bằng cách nào?

 

Bổ sung chất chống oxy hóa từ thực phẩm là cách đầu tiên bạn nên thực hiện. Các loại thực phẩm đều chứa các chất chống oxy hóa khác nhau; vì vậy, điều quan trọng là bạn cần duy trì chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh.

 

 

Chất chống oxy hóa được hấp thụ từ thực phẩm bao gồm:

  • Vitamin A có trong sữa, gan, bơ và trứng,…
  • Vitamin C có trong các loại trái cây và rau như ổi, đu đủ, cam, dâu tây, kiwi, cà chua, súp lơ, cải xoăn, ớt chuông.
  • Vitamin E có trong một số loại hạt (hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt dẻ, đậu phộng,…), các loại rau lá xanh (rau bina, cải xoăn,…); các loại dầu (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu hạt cải). 
  • Beta-carotene có trong cà rốt, đậu Hà Lan, dưa lưới, mơ, đu đủ, xoài, đào, bí đỏ, mơ, bông cải xanh, khoai lang, bí ngô.
  • Lutein có trong các loại trái cây và rau như đu đủ, cam, rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, ngô, đậu Hà Lan.
  • Lycopene có trong trái cây và rau màu hồng và đỏ như bưởi hồng, dưa hấu, mơ và cà chua. 
  • Selen được tìm thấy trong ngũ cốc (ngô, lúa mì và gạo), các loại hạt, đậu, trứng, phô mai và thịt động vật (thịt bò, cá, gà tây, thịt gà). 

 

Ngoài ra, một số dưỡng chất từ thực vật như flavonoid, flavones, catechin, polyphenol và phytoestrogen cũng thuộc nhóm chống oxy hóa. Một số thực phẩm khác như trà xanh, trà đen và sô cô la đen cũng được đánh giá cao về khả năng cung cấp chất chống oxy hóa. Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe để bổ sung các chất chống oxy hoá

 

Như vậy, có thể thấy rằng chất chống oxy hóa đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình duy trì và tăng cường sức khỏe cơ thể. Bạn nên cố gắng bổ sung đầy đủ chất chống oxy hóa thiết yếu để giúp cơ thể luôn hoạt động ổn định.