CÔNG DỤNG VÀ LỢI ÍCH CỦA FLAVONOIDS

 

Flavonoid là gì?

 

Flavonoid (hay còn gọi là bioflavonoid) là nhóm các hợp chất thứ cấp từ thực vật có trong nhiều loại trái cây, rau củ và một số loại hạt. Flavonoid được nhà sinh hoá học nổi tiếng người Hungary Albert Szent Gyorgyi (1893 - 1986) tìm ra vào năm 1936. Albert Szent Gyorgyi cũng chính là nhà khoa học đã giành giải Nobel Y học năm 1937 cho khám phá quan trọng liên quan đến các quá trình đốt cháy sinh học, đặc biệt liên quan đến vitamin C và xúc tác của axit fumaric.

 

Hiện có hơn 6.000 flavonoid đã được xác định. Dựa vào cấu trúc hoá học, flavonoid được phân thành các nhóm gồm: 

 

(i) Flavone; 

(ii) Isoflavone; 

(iii) Flavonol; 

(iv) Flavanone; 

(v) Anthocyanidin; 

(vi) Flavan-3-ol.

Lợi ích của flavonoid 

 

Flavonoid có các hoạt tính sinh học chính như sau:

  • Chống oxy hóa: Flavonoid là chất chống oxy hóa mạnh, giúp cơ thể chống lại các tổn thương do sự oxy hoá và giảm những gốc tự do gây hại cho cơ thể.
  • Kháng khuẩn: Nhiều nghiên cứu cho thấy các chiết xuất từ thực vật giàu flavonoid có hoạt tính kháng khuẩn.
  • Kháng viêm: Viêm là một trong những phản ứng của cơ thể đối với các kích thích có hại như nhiễm mầm bệnh, tế bào bị hư hỏng, tổn thương mô, chất gây dị ứng, chất độc,… Flavonoid có thể giúp giảm viêm nhiễm.

 

Mỗi loại flavonoid đóng một vai trò khác nhau trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu flavonoid làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (rượu vang đỏ, trà, bắp cải tím, cacao,...), tiểu đường (bắp cải tím,...), các bệnh về nhận thức như Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ (ca cao, việt quất, ...), một số bệnh ung thư (đậu nành, hành tây,...); giảm các triệu chứng mãn kinh và loãng xương (đậu nành, …).
 

 

Flavonoid có trong các loại thực phẩm nào?

 

Trong một thực phẩm có thể có một hay nhiều flavonoid. Dưới đây là flavonoid trong một số nguồn thực phẩm:

Phân nhóm flavonoid

Nguồn thực phẩm

Flavone

Rau mùi tây, cần tây, ớt chuông, bông cải xanh, kiều mạch, rượu vang đỏ

Isoflavone

Thực phẩm họ đậu: đậu nành, đậu xanh, đậu cô ve, …

Flavonol

Hành tây,  tỏi tây, cải xoăn, dầu ô liu, táo, anh đào, rượu vang đỏ, trà

Flavanone

Trái cây họ cam quýt: cam, quýt, bưởi, chanh

Anthocyanidin

Cà tím, mâm xôi đen, lý chua đen, việt quất, dâu tây, nho

Flavan-3-ol

Thực phẩm từ ca cao (so-cô-la,…), trà (xanh/ đen), táo, nho

 

Flavonoid có công dụng tạo ra màu sắc sống động trong hoa, trái cây và rau củ. Flavonoid tập trung nhiều ở vỏ và các phần bên ngoài của trái cây và rau củ; nếu bạn bỏ vỏ khi ăn tức là bạn bỏ qua một lượng flavonoid đáng kể.

 

Mỗi loại flavonoid đều có tác dụng trong việc tăng cường sức khỏe. Cách tốt nhất để có được tất cả các nhóm flavonoid là sử dụng đa dạng nhiều loại trái cây, rau củ, hạt. 

 

Flavonoid có đặc điểm là dễ bị thay đổi tính chất, giảm đi trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Do vậy, bên cạnh việc bổ sung flavonoid bằng cách ăn đa dạng nhiều loại trái cây, rau củ, hạt, bạn có sử dụng thêm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có thành phần giàu flavonoid.