Theo Báo cáo Thống kê Sức khỏe Toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của dân số đã tăng từ 66,8 tuổi (năm 2000) lên 73,3 tuổi (năm 2019) và thời gian sống khỏe mạnh tăng từ 58,3 năm lên 63,7 năm; tuy nhiên tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, ung thư… ) tăng từ 60,8% (năm 2000) lên 73,6% (năm 2019). Như vậy, cuộc đời mỗi người có khoảng 10 năm sống trong tình trạng sức khỏe không tốt và bệnh tật. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thói quen bệnh nặng mới điều trị, lối sống thiếu lành mạnh (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, ..), chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng (ăn mặn và nhiều dầu mỡ, ít rau xanh,..), thiếu hoạt động thể chất, v.v… .
Con số đáng báo động trên đặt ra một yêu cầu cấp thiết là làm thế nào để bảo vệ sức khỏe và tăng thời gian sống khỏe mạnh trong cuộc đời. Điều quan trọng nhất ở đây là ý thức chủ động của mỗi người trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.
Chăm sóc sức khỏe chủ động là việc mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm nâng cao, cải thiện sức khỏe cả về thể chất và tinh thần cho bản thân, phòng chống tật bệnh, tự kiểm soát các vấn đề bệnh lý nhẹ cũng như các chứng bệnh mãn tính. Việc chăm sóc sức khỏe chủ động mang lại rất nhiều lợi ích:
Bạn nên tự trang bị những kiến thức về y tế, sức khỏe. Điều này giúp bạn có những hiểu biết biết quan trọng để tự tin trong việc chăm sóc, cải thiện sức khỏe của bản thân và hỗ trợ cho cả bạn bè, người thân trong gia đình.
Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp các biện pháp điều trị mang lại hiệu quả tốt hơn, chi phí điều trị ít tốn kém hơn và ngăn chặn các biến chứng gây hại cho cơ thể.
Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tùy theo tình trạng sức khỏe, bạn sẽ chọn các bài tập phù hợp. Tập thể dục hàng ngày sẽ giúp cải thiện khả năng hô hấp và tim mạch, tăng cường thể lực cho cơ bắp, sức khỏe của xương và giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, trầm cảm và thậm chí một số loại bệnh ung thư.
Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh gan, ung thư, bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Hút thuốc lá có thể gây ung thư với nhiều cơ quan trong cơ thể (phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày) và dẫn đến nhiều bệnh tật (bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi,…).
Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh với thực đơn đa dạng; kiểm soát thực phẩm bẩn, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, không ăn quá nhiều muối, ăn nhiều rau xanh và trái cây mỗi ngày. Một bữa ăn cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, cân đối với 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Bạn cũng cần uống mỗi ngày khoảng 1,5 - 2 lít nước (nước lọc, nước trái cây, trà xanh,… và lựa chọn những món giàu nước như canh, súp, salad) để bổ sung đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ cho tuần hoàn mạch máu và hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn sử dụng bổ sung một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe để giúp nâng cao sức khoẻ cơ thể.